Tin tức

Nét văn hóa ẩm thực ngày Tết của đồng bào Tày Lục Yên

Nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Yên Bái, huyện Lục Yên là mảnh đất mang nhiều màu sắc văn hóa của các dân tộc anh em như Tày, Nùng, Dao… Đây cũng là nơi có những dãy núi đá vôi trùng điệp, những dải đồi muôn hình vạn dạng tạo nên những thung lũng bằng phẳng, là nơi để du khách thỏa sức khám phá những nét đẹp của tạo hóa. Ngoài cảnh sắc, Lục Yên còn có nét văn hóa ẩm thực độc đáo, đặc sắc của các dân tộc. Một trong số phải kể đến đó là nuôi và chế biến cá Bỗng vào dịp lễ Tết của đồng bào dân tộc.Cá Bỗng là loại cá mình giống cá chép, nhưng dài và dày hơn. Da cá màu ánh xanh, vây, đuôi và khóe miệng màu đỏ nhạt và là loài cá được bà con người Tày ở Lục Yên, tỉnh Yên Bái nuôi rất nhiều. Ao nuôi cá Bỗng phải là ao nước sạch, liên tục có nước ra vào và có nền nhiệt độ trên dưới 20 độ C. Thường các hộ gia đình hay chọn địa điểm có mỏ nước ở khe núi chảy vào để làm ao nuôi loại cá này. Cá Bỗng ăn tạp, từ ngô, lúa, sắn, khoai đến lá cây hay thịt gia cầm chết… nhưng chúng rất chậm lớn.

Theo các già làng ở Lục Yên, họ cũng chẳng nhớ từ khi nào loại cá này được nuôi tại đây. Chỉ biết từ khi còn nhỏ đã thấy ông bà nuôi và cứ thế từ đời này qua đời khác tiếp nối nhau nuôi. Các cụ cao niên ở xã Lâm Thượng cho biết; cá này có nguồn gốc từ sông Chảy. Trước đây khi chưa đắp đập làm thủy điện Thác Bà, người dân đánh bắt được ở sông Chảy thấy đẹp, nên mang về nuôi làm cảnh và khi mang ở tự nhiên về chúng sống với con người thân thiện và tuổi thọ rất cao.

Cá Bỗng tuy ăn tạp, nhưng lại rất chậm lớn, cá nuôi khoảng 2 năm cũng chỉ to bằng hai ngón tay, có những con khoảng khoảng 30, 40 tuổi nhưng cũng chỉ tầm hơn 20kg. Vì cá rất chậm lớn, nuôi làm cảnh và thân thiện, do vậy khi có những dịp đặc biệt quan trọng bà con mới bắt cá để làm thịt.

Cũng vì rất quý và là đặc sản nên việc chế biến cá Bỗng thành món ăn cũng rất cầu kỳ, công phu. Sau khi bắt về sơ chế, cá sẽ được chia ra làm thành nhiều món, nhưng món quan trọng nhất chính là gỏi cá Bỗng. Việc chế biến món gỏi cần có rất nhiều loại rau thơm, rau trong rừng như: Rau húng, lá chanh, riềng, nước chua được ngâm từ quả tai chua phơi khô, nước cốt chanh, bẹ chuối thái mỏng… để trộn cùng thịt cá rút xương thái lát, xương cá băm nhỏ rang vàng, tạo ra một món ăn đặc trưng, thơm mát của đồng bào Tày ở Lục Yên nói chung và của Lâm Thượng nói riêng.

Ngoài món gỏi, cá Bỗng còn được người dân chế biến thành món cá nướng, đầu cá nấu canh chua, cá hấp, vẩy cá chiên giòn… Những món này được chế biến đơn giản, dân giã, nhưng đều có vị khó quên.

Cá Bỗng giờ đã được nhiều gia đình có điều kiện về mặt nước ở các xã như Lâm Thượng, Khánh Thiện, Mường Lai, Tân Lập… nuôi vừa để làm cảnh vừa cải thiện bữa ăn gia đình và tăng thu nhập. Nhưng do loại cá này lớn rất chậm, tuy nhu cầu thị trường nhiều, giá cao từ 500 đến 700 nghìn/1kg nhưng vẫn không đủ cung cấp.

Hiện chính quyền các xã đã khuyến khích, vận động bà con nuôi loại cá này theo hướng độc canh. Ông Hoàng Khí Phách, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: “Cá Bỗng hiện bà con chủ yếu nuôi tự phát, nuôi để làm cảnh, cải thiện bữa ăn và tiếp khách, vì cá này rất ngon, không tanh như những loại cá khác. Tới này chính quyền địa phương sẽ vận động, khuyến khích người dân tập trung nuôi cá Bỗng theo phương pháp nuôi thả tập trung, không thả lẫn với các loại cá khác để đáp ứng được nhu cầu thị trường, nâng cao cuộc sống của người dân”.

Nhiều gia đình ở xã Lâm Thượng đã có những con cá Bỗng trên 40 tuổi và đang sinh sản tốt trong môi trường nuôi nhốt ở ao có nước ra vào liên tục, có bãi đá ngầm. Đây chính là nguồn gen quý để phát triển loại cá này trong tương lai. Cá Bỗng là loại cá quý, đặc sản của đồng bào dân tộc Tày huyện Lục Yên nói chung, xã Lâm Thượng nói riêng, là nét văn hóa ẩm thực đặc trưng mỗi dịp tết đến, xuân về.

Các tin liên quan