Tin tức

Cá bỗng – nét văn hóa ẩm thực ngày Tết

Cá bỗng là loại cá quý, đặc sản của đồng bào dân tộc Tày huyện Lục Yên (Yên Bái). Những món ăn từ loài cá này là nét văn hóa ẩm thực đặc trưng mỗi dịp Tết đến, xuân về.Cũng vì rất quý và là đặc sản nên việc chế biến cá bỗng thành món ăn cũng rất cầu kỳ, công phu. Sau khi bắt về sơ chế, cá sẽ được chia ra làm thành nhiều món, nhưng món quan trọng nhất chính là gỏi cá bỗng. Việc chế biến món gỏi cần có rất nhiều loại rau thơm, rau trong rừng như rau húng, lá chanh, riềng, nước chua được ngâm từ quả tai chua phơi khô, nước cốt chanh, bẹ chuối thái mỏng… để trộn cùng thịt cá rút xương thái lát, xương cá băm nhỏ rang vàng, tạo ra một món ăn đặc trưng, thơm mát của đồng bào Tày ở Lục Yên nói chung và của Lâm Thượng nói riêng.

Anh Hoàng Đồng Hới, ở xã Lâm Thượng, một trong những người có nhiều kinh nghiệm chế biến cá bỗng cho biết: “Nói về cá Bỗng thì đầu tiên phải là món cá gỏi, sau đó đến món nướng. Làm tuy không khó lắm, nhưng cũng phải là người biết làm thì chế biến mới ngon. Mổ con cá thì phải không cho dính nước; gia vị, rau thơm thì phải đúng hợp khẩu vị của cá, nếu  rau thơm không hợp thì cá sẽ ra mùi khác đi, ăn không ngon và không thơm”.

Ngoài món gỏi, cá bỗng còn được người dân chế biến thành món cá nướng, đầu cá nấu canh chua, cá hấp, vẩy cá chiên giòn… Những món này được chế biến đơn giản, dân dã nhưng đều có vị khó quên.

Cá bỗng giờ đã được nhiều gia đình có điều kiện về mặt nước ở các xã như Lâm Thượng, Khánh Thiện, Mường Lai, Tân Lập… nuôi vừa để làm cảnh, vừa cải thiện bữa ăn gia đình và tăng thu nhập. Nhưng do loại cá này lớn rất chậm, tuy nhu cầu thị trường nhiều, giá cao từ 500 – 700 nghìn/kg nhưng vẫn không đủ cung cấp. Hiện chính quyền các xã đã khuyến khích, vận động bà con nuôi loại cá này theo hướng độc canh.

Ông Hoàng Khí Phách, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: Cá bỗng hiện bà con chủ yếu nuôi tự phát, nuôi để làm cảnh, cải thiện bữa ăn và tiếp khách, vì cá này rất ngon, không tanh như những loại cá khác. Tới đây chính quyền địa phương sẽ vận động, khuyến khích người dân tập trung nuôi cá bỗng theo phương pháp nuôi thả tập trung, không thả lẫn với các loại cá khác để đáp ứng được nhu cầu thị trường, nâng cao cuộc sống của người dân.

Hiện nay, nhiều gia đình ở xã Lâm Thượng đã có những con cá bỗng trên 40 tuổi và đang sinh sản tốt trong môi trường nuôi nhốt ở ao có nước ra vào liên tục, có bãi đá ngầm. Đây chính là nguồn gen quý để phát triển loại cá này trong tương lai./

Các tin liên quan